B 1

Tìm hiểu nước thải của nhà máy xi măng

Đặc thù của các nhà máy xi măng thường đặt ngay gần các con sông, các nhà máy xi măng thiết kế gần các con sông không chỉ thuận tiện cho việc xuất nhập nguyên vật liệu, hàng hóa để giảm chi phí mà còn thuận tiện cho việc lấy nước thô từ sông để làm mát cho quá trình sản xuất:

Nguồn gốc của nước thải sinh ra trong công nghệ sản xuất xi măng gồm nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt và nước mưa:

 

1. Nước thải sản xuất

Các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước do nước thải sản xuất là:

 

– Nước thải sản xuất từ quá trình nghiền nguyên liệu chứa bùn nhiều tạp chất rắn trong đó có các kim loại như sắt, nhôm, silic

 

– Nước thải từ quá trình nghiền than có hàm lượng cặn lơ lửng cao, nhiều tạp quặng như pirit

 

– Nước thải rửa sân, tưới sân, khử bụi … chứa nhiều tạp chất rắn và các loại chất bẩn khác. Đặc trưng của nước thải trong quá trình này là hàm lượng cặn lơ lửng lớn (500 – 1500mg/l), độ kiềm cao (thường có pH > 8,0), tổng độ khoáng hoá lớn (500 -1000mg/l)

 

– Nước thải từ quá trình làm nguội clinker, làm nguội thiết bị nghiền nguyên nhiên liệu và nghiền ximăng, nước lò hơi … có nhiệt độ cao, chứa váng dầu và 1 lượng nhất định cặn lơ lửng. Dầu mỡ trong nước thải sản xuất sẽ lan truyền và khuếch tán thành lớp màng mỏng cản trở các quá trình trao đổi chất, các hoạt động sống của thuỷ sinh vật. Nước thải rửa thiết bị, vệ sinh bể chứa dầu MFO … có hàm lượng dầu, cặn lơ lửng, COD lớn. Lượng nước thải này nhỏ song các chất độc hại có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái các vực nước nhỏ.

 

– Ngoài ra còn có một số loại nước thải khác nhưng với lưu lượng nhỏ như nước thải trong quá trình khai thác đá, nước từ quá trình tách cặn ở trạm xử lý nước cấp … có thể gây ô nhiễm cho các ao hồ xung quanh.

2. Nước thải sinh hoạt

Các thành phần ô nhiễm có trong nước thải sinh hoạt là :

 

– Nước thải sinh hoạt có hàm lượng cặn lơ lửng khoảng 200 -250 mg/l, BOD5 từ 120 – 150 mg/l, tổng Nitơ 26 -28mg/l. Trong nước thải còn có thể có các loại vi khuẩn gây bệnh đặc trưng bằng số Feacal coliforms lớn (trong khoảng 104 – 106 MPN/100ml)

 

– Môi trường nước thải có độ mặn cao, khả năng phân huỷ các chất hữu cơ có nguồn gốc phế thải bị hạn chế. Nước thải sinh hoạt sẽ gây ô nhiễm cho vùng nước ngay gần điểm xả, đặc biệt nếu các loại phân cặn không được thu hồi sẽ tích tụ lại tạo nên vùng yếm khí trong nước làm mất mỹ quan khu vực thải.

3. Nước mưa

Trong nước mưa đặc biệt là nước mưa đợt đầu sẽ chứa nhiều loại cặn bẩn khác nhau. Hàm lượng cặn lơ lửng trong nước mưa đợt đầu 20 phút sau khi mưa rất lớn (1000 – 5000 mg/l), hàm lượng sunfat, nitrit, silic, nhôm … trong các loại nước mưa này cũng rất lớn. Do đó nếu không có biện pháp xử lý nước mưa đợt đầu sẽ gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh khu vực thải.